Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “hoàn hảo” luôn nhận thức cạnh tranh gia tăng giá trị doanh nghiệp, tự hào về hệ thống sản xuất sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa vượt chuẩn tại bất kỳ quốc gia nào. Doanh nghiệp họ tự hào phần nào thể hiện góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia để khẳng định đẳng cấp, xây dựng niềm tin cho toàn thế giới cùng với các chính sách của chính phủ “dịch vụ” vượt hơn chính phủ “hành chính” để hỗ trợ môi trường đầu tư.
Mới đây, Phó thủ tướng Đức ông Sigmar Gabriel đã đến thăm Trung tâm đào tạo nghề TGA đặt tại Nhà máy Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai). Ông rất hãnh diện về những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Đức đang đầu tư làm ăn tại các khu công nghiệp Đồng Nai. Ông cũng chia sẻ, những doanh nghiệp chuyên về kỹ thuật như Bosch xây dựng được các trung tâm đào tạo nghề là điều rất đáng trân trọng, bởi nó sẽ tạo cho người thợ của Việt Nam có được kỹ năng mà người Đức đang thực hiện.
Quả thực, người Đức nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng luôn đặt mình đi tìm kiếm sự hoàn hảo. Một triết lý riêng mà người Đức đặt ra để tạo dựng thương hiệu cho mình là sản phẩm phải hoàn hảo có tính cạnh tranh cao. Dù là một tập đoàn đa quốc gia có bề dày cả trăm năm hay một doanh nghiệp nhỏ mới thành lập thì người Đức luôn thực hiện giống nhau về việc xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm. (ở Á châu: Nhật Bản cũng theo đuổi giá trị này).
Các doanh nghiệp Đức sản xuất từ những vi mạch phức tạp thuộc ngành công nghệ cao cho đến các sản phẩm gia dụng trong gia đình họ đều có chung một mẫu số là sản phẩm đạt chất lượng tốt. Các sản phẩm của doanh nghiệp Đức sản xuất chất lượng luôn vượt trội và đi kèm với đó là giá cũng không rẻ, thế nhưng vẫn được người tiêu dùng ủng hộ. Quan điểm của người Đức cũng rất rõ ràng là sản phẩm tốt, giá cao nhưng khi sử dụng sẽ thấy xứng đáng và như vậy vẫn giữ được khách hàng.
Phân khúc thị trường của các doanh nghiệp Đức hướng đến là dòng cao cấp, vì vậy chứng kiến doanh nghiệp Đức tại các khu công nghiệp Đồng Nai, mới thấy họ luôn đặt ra cho mình một áp lực là phải tiên phong trong sản phẩm mới và đi kèm là chất lượng cao, điều đó chứng minh đẳng cấp “tinh thần thép” của Đức.
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, các quốc gia trong khối Liên minh Châu Âu – EU bị chao đảo nợ lần chồng chất; doanh nghiệp thì phá sản hàng loạt, nhưng riêng với nền kinh tế Đức vẫn vững như bàn thạch. Các doanh nghiệp Đức vẫn tạo công ăn việc làm tốt cho người lao động.