Doanh nghiệp nhỏ yếu thế một phần do tư duy làm chủ trong môi trường kinh doanh tri thức và thói quen ít sử dụng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp hay tham vấn từ các chuyên gia về lĩnh vực phát triển doanh nghiệp …
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), thì khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều yếu thế so với các doanh nghiệp lớn, cụ thể: do là doanh nghiệp nhỏ nên nguồn vốn ít, quy mô sản xuất nhỏ vì vậy việc ký các đơn hàng thường là gia công lại cho các doanh nghiệp lớn. Việc xây dựng phương án sản xuất thường không được tốt nên khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng (theo dạng tín chấp) rất khó khi muốn tăng vốn đầu tư, trong khi đó tài sản đã thế chấp hết tại các ngân hàng.
Một trong những điểm yếu nữa của các doanh nghiệp nhỏ là công nghệ máy móc lạc hậu, thống kê của VCCI có đến hơn 80% máy móc sản xuất của doanh nghiệp nhỏ được sản xuất từ những năm 1990. Chính vì vậy hiệu quả sản xuất thấp khó cạnh tranh.
Trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp nhỏ rất yếu do phần lớn đi lên từ các hộ gia đình nên cách quản lý không chuyên nghiệp, đã vậy việc đào tạo ở các doanh nghiệp này cũng khá hạn chế. Trong một môi trường sản xuất, kinh doanh khắc nghiệt như hiện nay càng làm cho các doanh nghiệp này khó khăn hơn. Đó là những rào cản lớn khiến cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nhiều năm qua không “cất cánh” lên được.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong tương lại gần thì doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh mới, đó là năm 2015, khi Việt Nam hội nhập toàn diện vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), lúc này khoảng 93% số dòng thuế có mức thuế suất 0% và 7%.
Sản phẩm của các doanh nghiệp này sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước trong khu vực. Trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn còn lúng túng gỡ khó ở chính thị trường trong nước thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các quốc gia khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore đã chuẩn bị cho mình những điều kiện cần thiết để tham gia một “sân chơi” mới. “Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hiệu quả nên các doanh nghiệp không tiếp nhận được. Trong thời gian doanh nghiệp ở Việt Nam đang phải chịu lãi suất ngân hàng 20%/năm thì ở Thái Lan doanh nghiệp vay vốn mới 7%/ năm họ đã nhảy dựng lên lên rồi”, ông Bình chia sẻ.
Ở một hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã cho hay, nhiều nước trên thế giới xem doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống trong chiến lược phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, sự đóng góp cho xã hội ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất đáng ghi nhận, hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm khoảng 95% số doanh nghiệp cả nước và sử dụng trên 50% số lao động, tạo ra khoảng 50% hàng hóa phục vụ xuất khẩu và đóng góp gần 20% tổng thu ngân sách.
Một điều đáng ghi nhận nữa là khối doanh nghiệp này đóng vai trò tích cực trong việc ổn định xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn mà các công ty lớn ít đến đầu tư. Chính vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế thì cần sớm có luật doanh nghiệp vừa và nhỏ để sự hỗ trợ của Nhà nước ( hay sửa đổi sớm nhất luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật thuế) sẽ hỗ trợ tích cực hơn giúp khối doanh nghiệp này có được vị thế của mình.