Trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, ngoài việc sản phẩm tinh tế, giá cả hợp lý thì còn một điểm rất đáng quan tâm nữa mà gần như rất ít doanh nghiệp Việt Nam làm được, đó là bán kèm những câu chuyện đi kèm.
Ông David Jonh, một doanh nhân người Anh chia sẻ, ở châu Âu và nhiều nước phát triển khác trên thế giới khách hàng mua một sản phẩm hàng hóa nào đó người ta thường quan tâm rất nhiều đến xuất xứ của sản phẩm đó. Xuất xứ ở đây không chỉ đơn thuần là sản xuất ở quốc gia nào mà còn là những chi tiết sâu hơn. Ví dụ, khi ông mua một chiếc bình bông bằng gốm ở Pháp anh nhân viên bán hàng đã kể cho ông nghe một câu chuyện liên quan đến chiếc bình đó như: chiếc bình đó được làm từ một vùng quê ở Ấn Độ do những người thợ thủ công làm nên. Đó là một làng nghề rất lâu năm, xưa kia làm những sản phẩm để cung cấp cho giới hoàng tộc sử dụng. Chất đất sét được lấy từ một mỏ đất khá đặc biệt, rồi thì cách nung gốm ra sao, làng nghề đó đã thăng trầm như thế nào, người dân hiện tại ở đó ra sao, nét đặc trưng ở những sản phẩm gốm này khác với những dòng gốm khác là gì vv… Những sản phẩm ở vùng Nam Mỹ hay châu Phi còn được thêu dệt bởi những câu chuyện huyền bí của những dân tộc, bộ lạc rất thú vị. Theo ông David Jonh thì việc khai thác những câu chuyện này đã làm tăng giá trị và sức hút đối với du khách tới 15% – 20%.
Ở trong nước hiện nay đã thấy một vài sản phẩm của gốm sứ Minh Long cũng xuất hiện kiểu bán sản phẩm kèm theo những câu chuyện. Tuy nhiên, mới dừng lại ở những bước đầu. Một chiếc ca uống nước bằng sứ của Minh Long trước đây thường chỉ in hình ảnh con người hoặc cảnh quan đất nước trên đó, nhưng gần đây được in một hình ảnh nào đó và có những dòng chữ giới thiệu lịch sử tương đối chi tiết về bức tranh cho người xem hiểu rõ hơn. Đó cũng là một bước tiến đáng kể. Cũng theo ông David Jonh, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khá nhiều nhưng khai thác về mặt câu chuyện thì lại rất ít. “Doanh nghiệp làm ra một chiếc tàu chiến khá đẹp, ở đó doanh nghiệp Việt Nam cần cung cấp thêm thông tin cho khách biết, đây là mô phỏng của chiếc chiến hạm thời gian nào? Được làm bằng những chất liệu gì, lấy ở đâu? Độ thân thiện với môi trường ra sao? Có phải được sản xuất từ những người thợ thủ công truyền thống hay không? Để có được chiếc chiến hạm này người thiết kế cũng như công nhân phải làm bao nhiêu thời gian? Có bao nhiêu chi tiết? Những câu chuyện riêng về dòng sản phẩm này có hay không? Câu chuyện càng ly kỳ, thú vị càng tốt”, ông David Jonh nói.
Doanh nghiệp có được qui trình bán hàng kèm theo những câu chuyện ý nghĩa thì đây cũng là một phần khác biệt làm nên giá trị vô hình của doanh nghiệp.