TRỞ THÀNH VỊ THÁNH KINH DOANH
NHỜ NHỮNG BÀI HỌC TỪ VUA Ô TÔ
CUỘC ĐỔI MỚI NĂM 1927 CỦA
MATSUSHITA KONOSUKE
GIỚI THIỆU
CHƯƠNG 1: BÀN ỦI ĐIỆN
CHƯƠNG 2: CÁC CHÚ BÉ Ở XƯỞNG
CHƯƠNG 3: CHẤN ĐỘNG
CHƯƠNG 4: SỨ MỆNH
CHƯƠNG 5: CÔNG ÍCH
CHƯƠNG 6: ĐẠI CHÚNG
CHƯƠNG 7: TRỞ THÀNH THẦN TƯỢNG TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH
Tranh minh họa: Tác giả Yamamoto Nobutane (thành viên danh dự của Tập đoàn Panasonic)
CHƯƠNG 5: CÔNG ÍCH
NGHĨ VỀ CÔNG ÍCH
Đã gần cuối tháng Tám mà trời vẫn oi bức.
Konosuke tin chắc rằng lời thân mẫu Henry Ford nói về ‘nghĩa vụ trong đời’ đã trở thành cội nguồn tư tưởng của Ford. Konosuke bắt đầu nghĩ đến việc thực hiện phần mà anh cho là tinh túy của cuốn tự truyện mình đang đọc.
Anh ngồi trong không gian phảng phất hương trầm, mở cuốn tự truyện. Phần chính của tự truyện bản tiếng Nhật bắt đầu bằng lời tựa của Hayashi Kiroku, hiệu trưởng trường Keio danh tiếng “Trong thời buổi sùng bái kim tiền ngày nay, nhiều người trong lĩnh vực công thương vội vã theo đuổi mục tiêu duy nhất là lợi nhuận khiến cơn lốc tệ hại của việc chăm chăm kiếm lời mà quên đi việc phụng sự xã hội đang lan rộng. … Kinh doanh với mục tiêu đóng góp cho sự hạnh phúc, tiện lợi của quần chúng – tức là vì mục tiêu công ích, và nhờ đó trở thành người giàu nhất thế giới, chứng minh rằng việc đạt mục tiêu công ích cũng chính là gia tăng lợi nhuận của bản thân, để lại một bài học lớn trong lĩnh vực kinh doanh là nhân vật Henry Ford trong tự truyện này”.
Konosuke bật tiếng reo ngạc nhiên “A, đúng là được sáng mắt ra. Đây chính là ‘nghĩa lợi hợp nhất’ (lợi nhuận có được phải hợp với đạo đức xã hội, kinh doanh hám tiền sẽ không lâu dài) nhà quý tộc Shibuzawa viết trong bức thư pháp tặng mình đây mà. Có đường đi rồi đây!”
Tiếp đó, Konosuke đọc chương “Cuộc đời và sự nghiệp của tôi” (My Life and Work). Ford viết rất rõ trong đoạn đầu ở phần định nghĩa doanh nghiệp.
“Nhà sản xuất có được sự thịnh vượng từ việc phụng sự xã hội. …không được bỏ quên những cơ hội có thể phụng sự xã hội tốt hơn để chạy theo mục đích kiếm tiền một cách dễ dãi. Phải nghĩ đến phụng sự trước lợi ích. Không có lợi nhuận sẽ không thể phát triển kinh doanh….lợi nhuận ấy là thù lao xứng đáng chắc chắn sẽ đến từ việc phụng sự xã hội. Lợi nhuận phải là kết quả của việc phụng sự xã hội.”
Khuôn mặt của Konosuke rạng rỡ hẳn “Đây rồi. Đây là điều mình tìm kiếm lâu nay. Lợi nhuận sẽ đến một cách tự nhiên từ quá trình phục vụ xã hội. Đây chính là tinh túy trong tư tưởng của Ford, là di huấn của mẹ ông ấy. Mình có lời giải. Mình đã làm y hệt theo bí quyết về phát triển tầng mãi lực mới, sản xuất hàng loạt và có được doanh thu nhưng bây giờ mới hiểu cội rễ của mọi thứ phải là ‘lợi nhuận đến từ việc phụng sự’. Nếu mình kinh doanh theo đúng tinh thần này thì chắc chắn là khó khăn nào mình cũng sẽ khắc phục được. Công ty phải là một cỗ máy công ích.”
Henry Ford chịu ảnh hưởng lớn từ Ralph Waldo Emerson (1803 -1882, triết gia người Mỹ) khi bàn về thù lao xã hội. Emerson cho rằng tất cả những hành vi khi còn sống của một người không phải là để khi chết sẽ được đặt lên bàn cân để quyết định người thiện sẽ lên thiên đường, kẻ ác sẽ bị đọa địa ngục mà là ai làm việc thiện sẽ được đền đáp, ai làm việc ác sẽ bị trừng phạt thích đáng. Emerson chịu ảnh hưởng từ nhà tư tưởng người Anh Thomas Carlyle (1795 – 1881). Carlyle là người đề xướng “Captains of Industry” trên cơ sở tình yêu nhân loại, loại bỏ chủ nghĩa lợi nhuận trên hết.
Đây là khoảnh khắc tư tưởng thù lao xã hội của Emerson, vốn chịu ảnh hưởng từ Carlyle, thông qua Ford là nhân vật tiêu biểu của chủ nghĩa tư bản công ích lý tưởng chảy sang Konosuke.
JINYA
Năm 1927. Tháng Chín đã đi qua hơn mười ngày mà vẫn có 3 ngày nóng trên 30 độ C. Một buổi chiều, Konosuke ghé thăm Torii Shinjiro, giám đốc Jinya (tiền thân của Suntory ngày nay) ở Minamiku, Andoji.
Lúc này Torii Shinjiro 48 tuổi, Konosuke 32 tuổi.
Hơn hai mươi năm trước, Torii Shoten (tên gọi từ ngày thành lập năm 1899) đã đặt mua xe đạp cao cấp cho Torii Shinjiro lẫn xe đạp thồ hàng từ hãng xe đạp Godai là nơi Konosuke đang học việc. Nhìn thấy cậu bé Konosuke mang xe đạp vừa sửa xong đến cho mình, Torii khen “Nhóc này nhìn nghiêm túc nha!” khiến Konosuke rất vui.
Cách đây mấy năm nhân cuộc họp ở Hội Công Thương, Torii gặp lại Konosuke lúc này là giám đốc công ty Matsushita Denki (nay là Panasonic) thành lập năm 1918 ở Ohiraki (nay là Fukushimaku). Kế từ đó, Torii luôn coi Konosuke, người rất nhiệt huyết và thành thực, như em trai của mình và Konosuke cũng xem Torii, người rất can đảm, giỏi buôn bán và thân thiện, như anh ruột của mình.
“Chào đại ca, lâu quá không gặp.”
Torii cười, cởi áo khoác để lộ chiếc áo sơ mi trắng “Sao nực nội quá không biết! Ờ, nghe ‘đại ca’ hay nha mày! Bữa trước tao mới nói tụi nhỏ trong công ty gọi tao là ‘đại ca’ hết. Gọi ‘giám đốc’nghe không ra vẻ buôn bán gì hết mà còn có vẻ xa lạ nữa. Ờ mà lâu quá không gặp mày ha!”
“Dạ, tháng Hai rồi nhà có chuyện buồn, thằng nhỏ Koichi vừa chết lại tới vụ ngân hàng phá sản rồi chuyện bàn ủi này kia thành ra lâu lắm em mới tới thăm đại ca được.”
“Trời đất! Tao có biết gì đâu! Thằng nhỏ chưa đầy năm đúng không? Để vài bữa tao qua thắp hương cho nó.”
“Không sao, đại ca có nghĩ đến là em vui rồi. Cám ơn anh.” Konosuke cúi rạp.
“Bữa trước má tao cũng mới mất.”
“Trời, em xin chia buồn với anh. Bác hưởng dương bao nhiêu hả anh?”
“77 tuổi. Đi hơi sớm nhưng biết sao giờ, tuổi thọ trời cho nhiêu đó. Mày thì mất thằng nối dõi. Đau lòng quá chứ!”
“Dạ, đại ca. Thời gian qua em cũng nguôi ngoai, gượng dậy được rồi.”
Konosuke theo Torii vào phòng giám đốc, ngả mình trên ghế nệm.
AKADAMA PORT WINE
Torii hỏi giọng vui vẻ “Rồi, nay tới có chuyện gì đây?”
“Dạ, em tới báo tình hình gần đây thôi. Đầu năm nay em có đăng quảng cáo National Lamp. Anh có nhìn thấy không?”
“À có, có. Cái nhãn National đó đẹp đó! Rất bắt mắt. Bên tao cũng định làm cái nhãn hợp thời chút cho whisky.”
“Từ hồi mở công ty tới giờ được anh chỉ dạy, nhắc nhở tầm quan trọng của quảng cáo nhưng mà lần đầu tiên em làm đó anh. Suy nghĩ cả đêm mới ra cái câu quảng cáo đó.”
“Ờ, làm quảng cáo thú vị, đúng không?”
“Em lo lắm nhưng đúng như đại ca nói, thực sự là rất thú vị. Nhìn tấm áp phích quảng cáo rượu Akadama Port Wine của anh với người đẹp khỏa thân mà em giật nảy mình.”
“Chuyện hậu trường của cái áp phích đó là 5 năm trước tao tính tạo tiếng vang chút cho chai rượu Akadama Port Wine nên mới thành lập đoàn kịch Akadama đi lưu diễn toàn quốc, mời các cửa hàng tới nhà hát coi kịch. Cũng được bàn tán xôm tụ nhưng sau một năm thì giải tán. Người mẫu trên áp phích đó là nữ diễn viên Matsushima Emiko trong đoàn kịch. Khen chê đều có nhưng chắc chắn một điều là tạo được tiếng vang. Để cám ơn nàng, tao đã mua một carat kim cương tặng đó chứ!”
“Chơi lớn quá!”
“Quảng cáo tuy thú vị nhưng cũng phải cẩn thận. Nếu sản phẩm của mình không ngon lành thì rất dễ bị đánh giá là ‘chả có gì ngoài quảng cáo’. Mà hễ đã bị nói như vậy là coi như xong rồi. Không gạt được công chúng đâu. Quảng cáo nhắm đến đối tượng là đối tác để thúc đẩy bán hàng cũng phải quan tâm như đối với công chúng. Tao phải cho mời đại diện các cửa hàng ký hợp đồng bán Akadama Port Wine tới xưởng rượu để tỏ lòng biết ơn và mời họ tham quan cơ sở. Lần đầu làm thử nhưng tạo hiệu ứng rất lớn. Nhiều chủ cửa hàng phát biểu là ‘nhìn thấy cách quản lý chất lượng ở đây rồi thì tụi tui rất yên tâm bán hàng’. Đó chính là cùng phát triển cùng phồn thịnh đúng nghĩa. Quảng cáo tới cả công chúng và cửa hàng đối tác, chính sự đan xem đó tạo ra hiệu quả to lớn.”
“Hồi tháng Tư vừa qua trước khi tung sản phẩm đèn vuông ra bán em cũng đã rải 10 ngàn chiếc ở các cửa hàng đại lý. Việc này cũng tạo tiếng vang rất lớn. Nhờ đó mà doanh số bán tăng. Đại ca, ý tưởng quảng cáo đều là anh nghĩ ra hay sao?”
“Đâu có. Cũng có nhiều ý tưởng của nhân viên nộp lên. Tao khích lệ mọi người ‘Làm thử đi!’, cứ mạnh dạn đề xuất những điều ‘không còn gì có thể tuyệt vời hơn nữa’ trong cả ý tưởng quảng cáo lẫn sản phẩm”
“Nghe sếp nói ‘Làm thử đi!’ hẳn là ai cũng cảm thấy mình được tin tưởng hoàn toàn, rất vui đúng không anh?”
“Ừ, nhưng không phải gặp ai cũng nói ‘Làm thử đi!’ đâu nha. Tao chỉ nói vậy với người có trách nhiệm làm tới cùng thôi. Nếu người được nói câu đó đáp trả ‘Sếp cứ coi em làm’ thì tuyệt vời. Để có thể đánh cược như vậy, hàng ngày phải quan sát con người”.
“Tín điều của em là không gì có thể thắng được nhiệt huyết. Nhân viên nào nghĩ được như vậy đều tuyệt vời.”
“Tuy nhiên làm sai là khiển trách không khoan nhượng nha. Đối với ba thằng con trai trong nhà cũng vậy.”
“Em cũng nghĩ y hệt anh. Bữa trước em mới làm cho một trận cả ba tiếng đồng hồ.”
“Mày giống y hệt anh đó.”
HOA TÚY PHÙ DUNG
Torii đưa mắt nhìn một bông túy phù dung cắm phía sau bàn làm việc “Từ đây về sau chỉ có thay đổi mới có đường sống. Anh thích bông túy phù dung nha. Tất nhiên vì tên nó có chữ ‘túy’ hợp với nghề làm rượu của anh nhưng không phải chỉ có thế. Sáng sớm nó màu trắng, trưa màu hồng nhạt, chiều đến ngả qua màu hồng đậm. Thích nhất là sự biến đổi đó.”
“Anh nói ‘Làm thử đi!’ chính là để thúc đẩy tinh thần thay đổi đúng không?”
“Nói hay! Nhưng túy phù dung đổi màu vẫn cứ là túy phù dung. Có những thứ phải thay đổi nhưng cũng có thứ không được thay đổi. Có một câu là “Bất dị lưu hành”. Trích trong thơ Haiku của Basho.”
“Không biết có giống với câu ‘Bất dị lưu hành’ anh nói không nhưng em đang đọc tự truyện của Henry Ford. Em rất ngại đọc sách nhưng đọc mới thấy giật mình khi thấy viết ‘Lợi nhuận không phải là mục đích mà là kết quả từ việc phụng sự xã hội’”
“Ồ…lâu không gặp nay thấy mày trưởng thành gấp đôi, gấp ba hồi trước đó nha. Đúng là trưởng thành qua gian nan có khác.”
“Dạ, em cũng liên tục được sáng mắt đó anh. Em thấy mình có sứ mệnh phải góp phần làm cho cuộc sống và văn hóa phong phú hơn qua sản phẩm điện máy. Em vất vả nỗ lực không quản ngại công sức và kết quả là lợi nhuận đã quay về. Sứ mệnh này cũng giống điều đại ca vừa nói về ‘những thứ phải thay đổi’”
“Ừ, doanh nhân đích thực không phải chỉ đơn thuần là bán sản phẩm của bên này qua bên kia để kiếm lời mà phải lưu tâm xây dựng nếp sống và văn hóa mới qua việc bán sản phẩm.”
“Em nghĩ xe hơi và sản phẩm điện máy tuy có khác nhưng sứ mệnh là như nhau.”
“Anh cũng đang hết mình trong việc sản xuất rượu whisky chính hiệu Nhật Bản với mong muốn làm cho văn hóa thưởng thức rượu của Nhật Bản ngày càng đẹp và phong phú hơn. Không thể để sứ mệnh ấy bị biến chất. Anh nói thật là anh bán rượu nhưng anh rất ghét bọn say xỉn.”
“Nhưng anh làm rượu để bán mà?”
“Đúng, nhưng em nhìn đóa túy phù dung đi. Tên hoa có chữ ‘túy’ nhưng nó không hề say, vẫn đẹp. Con người say xỉn thì lại thay đổi tính cách. Không nên như vậy. Uống rượu cũng phải có phong cách đẹp mới là điều lý tưởng.”
Konosuke càng nghe càng thấy yêu mến Torii.
Tình bạn của hai người nối dài mãi về sau. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Konosuke lâm vào tình cảnh khó khăn cực độ vì công ty bị xếp vào số doanh nghiệp có liên quan với phe gây chiến. Konosuke đã tìm đến hỏi mượn 2 vạn Yên và được Torii đưa ngay cho mượn 10 vạn. Konosuke thường kể câu chuyện này với lòng biết ơn sâu sắc.
Konosuke kể về những khó khăn gian khổ trong quá trình sản xuất bàn ủi điện và những điều học được từ Ford. Nghe một lúc, Torii nói “À, vừa khéo hôm nay anh có hẹn. Mày đang rảnh đúng không. Đi ăn cơm với anh. Anh giới thiệu mày với một người.”
Konosuke bước theo Torii, trong lòng vừa cảm thấy một chút lo lắng vừa phấn khích nghĩ thầm “Không biết đại ca sẽ giới thiệu mình với nhân vật nào đây?”